Quần thể di tích Đền thờ vua Lý Nam Đế

tinhdoanphutho 21 Th8, 2023 Huyện Tam Nông

ĐỀN THỜ VUA LÝ NAM ĐẾ VÀ ĐÌNH DANH HỰU

Mặt bằng tổng thể Khu di tích đền thờ Lý Nam Đế gồm các hạng mục kiến trúc: Bậc lên xuống; Nghi Môn, Lăng mộ Lý Nam Đế, ban thờ Thần Nông, đền Thờ, Tả vu, Hữu vu, sân vườn ao sen, hạ tầng kỹ thuật.

+ Hạng mục bậc lên xuống được làm hoàn toàn bằng đá với hai lối đi được cách biệt bằng hai con rồng chầu về hướng Tây Bắc, ở chính giữa có trạm khắc chiếu rồng.

+ Nghi môn tứ trụ được mở 3 lối đi được xây dựng theo kiểu dáng truyền thống với 2 trụ lớn trên đỉnh đắp 4 hình chim phượng nhìn ra 4 phía, chống đuôi vào nhau theo kiểu lá lật. Hai trụ nhỏ đỉnh đắp hình Lân trong tư thế chầu vào.

+ Lăng mộ Lý Nam Đế: Tương truyền khi xưa lăng mộ Lý Nam Đế được xây bằng gạch chỉ dưới gốc cây xương rồng bà. Do chiến tranh, thiên tai tàn phá, lăng mộ Lý Nam Đế xây dựng trước đây không còn. Năm 2005, nhân dân địa phương đã tìm thấy dấu tích nền móng lăng mộ cũ. Năm 2010, lăng mộ được tôn tạo lại với kiến trúc theo lối “Tiền nhất, hậu nhất” gồm 2 tòa: Tiền Tế và Hậu cung.

Quần thể Đền Thờ Lý Nam Đế và Đình Danh Hựu

Tòa Tiền tế 1 gian 2 chái, kiểu nhà 4 mái, dâng đao 4 góc, dài 9,90m, rộng 5,64m được làm bằng gỗ xoan, tường xây bịt đốc.

Hậu Cung làm theo kiểu 2 gian 1 chái, dài 9,0m rộng 5,91m thiết kế kiểu tiền đao hậu dốc, bộ vì nóc kiểu thượng giá chiêng, vì nách kiểu cuốn mê chạm Tứ Linh và kẻ ngồi, nội thất trang trí diềm võng, hoàng phi câu đối, bài trí thờ tự uy nghi, lộng lẫy. bên trong Hậu Cung yên vị là phần mộ Lý Nam Đế hình chữ nhật tạo vòm cao dần về phía trong, hai bên dắp hình rồng chầu

+ Bệ thờ: Bệ thờ do dân làng Văn Lang xây dựng năm 2006 để hương khói thờ cúng tưởng niệm Lý Nam Đế. Bệ thờ lộ thiên không mái che, bệ thờ xây xi măng, phía trên đắp nổi chữ Thiên Đức (Niên hiệu của Lý Nam Đế).

+ Đền thờ Lý Nam Đế: Được xây dựng năm 2018, bố cục mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Đinh, kích thước 16,4m x 15,5m gồm hai tòa: Đại bái và Hậu cung. Tòa Đại bái 5 gian 2 chái bộ khung được làm bằng gỗ lim, kiểu nhà 4 mái, dâng đao cong 4 góc mái, phía trước tạo 3 khuông cửa bức bàn kiểu thượng song hạ bản, sửa sổ kiểu chữ Thọ tròn. Trên tầng mái, bờ nóc đắp “Lưỡng long chầu nhật”, thân rồng uốn lượn, vồng lên, chân móng sắc bám chặt vào bờ nóc, hổ phù càm chữ Thọ đội mặt nhật có tia lửa tỏa ngược.

Quần thể Đền Thờ Lý Nam Đế và Đình Danh Hựu

Tòa Hậu cung 3 gian, 1 chái, kiểu nhà hai mái, tường hồi bít đốc, bộ khung làm bằng gỗ lim, kết cấu 4 hàng chân cột, nền lát gạch bát, mái lợp gói mũi hài phục chế. Các bộ vì nóc theo lối thượng giá chiêng – hạ kẻ, vì nách kiểu chồng kẻ ngồi, góc xối kiểu cột trốn – chồng rường. Cách thức kiến trúc gỗ hệ khung của Đại bái và Hậu cung được bào trơn, đóng bén, mộng sàm chặt khít, chạm nổi cách điệu họa tiết vân mây, đao lửa.

Tượng Đức Vua Lý Nam Đế 

Trong chính điện thờ, giữa có ban thờ đặt tượng Lý Nam Đế ngồi trên ngai bằng đồng, thể hiện kiểu dáng tướng mạo oai phong, lẫm liệt, đầu đội mũ vương, mình khoác long bào, hai tay kết ấn. Phía sau bức thờ là bức trạm Cửu long tranh châu chạm lộng hình 9 con rồng uốn lượn. Nội thất bên trong đền thờ được trang trí với bức diềm cửa võng, cột gỗ cao treo câu đối, hoành phi chạm trổ tinh tế, sơn thiếp vàng kim lộng lẫy.

+ Tả vu, Hữu vu: mặt bàng kiến trúc kiểu chữ Nhất, 3 gian, kiểu nhà hai mái, tướng hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bộ vì kiểu “Thượng giá chiêng – hạ bẩy”, mặt chính diện tạo 3 khuông cửa bức bàn thượng song hạ bản.

– Đình Danh Hựu: Thuộc làng Danh Hựu khu 11 xã Vạn Xuân, được tu bổ, tôn tạo năm 2010 trên nền móng cũ, kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm 2 tòa: Đại bái và Hậu cung, kích thước: 11,3m x 12,89m, bộ khung vì gỗ, vì nóc kiểu thượng giá chiêng hạ bẩy. Phía trong tòa Hậu cung tạo thượng cung – khám thờ, đặt tượng Lý Nam Đế ngồi trên ngai.