Văn hóa lịch sử Đền thờ vua Lý Nam Đế

tinhdoanphutho 21 Th8, 2023 Huyện Tam Nông

ĐỀN THỜ VUA LÝ NAM ĐẾ VÀ ĐÌNH DANH HỰU

Lý Nam Đế (còn có tên gọi khác là Lý Bôn, Lý Bí), ông sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi (tức ngày 17 tháng 10 năm 503) tại Thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Từ nhỏ Lý Bí đã tỏ ra là người rất thông minh, sớm hiểu biết, khi Lý Bí 5 tuổi thì Cha mất, 7 tuổi thì Mẹ mất. Ông đến ở với chú ruột, một hôm có một vị Pháp tổ thiền sư đi ngang qua trông thấy Lý Bí khôi ngô, tuấn tú liền xin Lý Bí đem về chùa nuôi dạy. Sau hơn 10 năm đèn sách chuyên cần, Lý Bí đã trở thành một người học rộng, hiểu sâu. Nhờ có tài văn võ song toàn nên Lý Bí được tôn lên làm thủ lĩnh một vùng. Có thời ông từng làm quan cho nhà Lương, nhưng rất bất bình với bọn quan lại đô hộ tàn ác bóc lột và đàn áp dân chúng, ông đã bỏ quan về quê ở ấp Thái Bình, châu Giã Năng (nay là vùng đất Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) chiêu binh, liên kết với nhiều hào kiệt, Tù trưởng giỏi khác khởi nghĩa chống lại quan, quân đô hộ nhà Lương tại Giao Châu.

Cuối năm 541, Lý Bí chính thức khởi binh chống nhà Lương, được nhiều người hưởng ứng, lực lượng ngày càng lớn mạnh bao gồm Tù trưởng ở Chu Diên (Hải Phòng) là Triệu Túc và con trai là Triệu Quang Phục; tướng tài Tinh Thiều người từng làm quan cho nhà Lương sau đó bỏ theo Lý Bí và các võ tướng khác như là Phạm Tu, Trịnh Đô, Lý Công Tuấn trong trận chiến này Lý Bí đã chiếm được thành Long Biên. Đến tháng 4 năm 542 Lý Bí cùng với đại quân đã đánh thắng liên quân của các Thứ Sử của nhà Lương như Trần Hầu, Ninh Cự, Úy Trí, Nguyễn Hán và làm chủ toàn bộ Giao Châu, đến cuối năm 542 Lý Bí chiếm thêm được quận Hợp Phố thuộc Quảng Đông, Trung Quốc ngày nay.

Ảnh Lăng mộ Lý Nam Đế tại Xã Vạn Xuân- Huyện Tam Nông

Tháng 5 năm 543 Lý Bí sai Phạm Tu tiến quân vào Nam đánh bại quân vua Lâm Ấp và giành lại được quận Cửu Đức.

Tháng giêng năm 544, Lý Bí tự xưng là Lý Nam Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiên Đức, lập trăm quan, đặt tên nước là Vạn Xuân. Đóng đô ở Ô Diên (nay là xã Hạ Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội). Lấy Triệu Túc làm thái phó, tướng Tinh Thiều đứng đầu ban văn, tướng Phạm Tu đứng đầu ban võ. Dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Thành lập triều đình, cho đúc tiền Thiên Đức để khẳng định sự tồn tại của một quốc gia có nền độc lập tự chủ.

Tháng 6 năm 545, nhà Lương sai Dương Phiêu, Trần Bá Tiên… đem quân tiến sang đánh Giao Châu. Vua Lý Nam Đế đem 3 vạn quân chặn đánh nhưng bị thua ở Chu Diên, và ở cửa sông Tô Lịch, tướng Tinh Thiều tử trận, ông chạy về thành Gia Ninh (nay thuộc xã Thanh Đình, thành Phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Tháng giêng năm 546, Trần Bá Thiên chiếm thành Gia Ninh, tướng Phạm Tu tử trận, Lý Nam Đế rút quân vào đất người Lạo ở Tân Xương. Sau một thời gian tập hợp và củng cố lực lượng, ông đem 2 vạn quân từ đất Lạo sang đóng ở hồ Điển Triệt (xã Tứ Yên, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Ở đây quân của Lý Nam Đế bị quân của Trần Bá Tiên đánh bại nên Lý Nam Đế rút quân về động Khuất lão xã Văn Lương (nay là xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), giao binh quyền cho Triệu Quang Phục là con của thái phó Triệu Túc để tiếp tục chống lại quân của Trần Bá Tiên.

Tại động Khuất Lão, nghĩa quân đang củng cố lại lực lượng thì Lý Nam Đế bị ốm nặng. Ngày 20 tháng 3 (tức ngày 13-4 dương lịch) năm 548, Lý Nam Đế qua đời. Ông lên ngôi được 5 năm (544-548), thọ 46 tuổi. Thi hài của ông được an táng ngay trong động Khuất lão. Như vậy vương chiều Tiền Lý tồn tại trong thời gian khoảng 60 năm (544-602), với 4 đời vua: Lý Nam Đế (544-548), Lý Đào Vương (549-555), Triệu Việt Vương (549-570) và Hậu Lý Nam Đế 571-602).

Với truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn những người có công với dân với nước, sau khi Lý Nam Đế băng hà, để tưởng nhớ công ơn của ông và các tướng sỹ. Nhân dân trong vùng đã lập đền thờ Lý Nam Đế tại gò Cổ Bổng, động Khuất Lão để thờ Lý Nam Đế, Lý Thiên Bảo (anh ruột của Lý Bí), Lý Phật Tử (người trong dòng họ), những người cùng Lý Bí khởi nghiệp và hai thủy thần là Long Hải Vương và Lân Hải Vương đã có công giúp ông và tướng sỹ vượt sông Thao